Die Hard, ra mắt tập đầu từ năm 1988, là loạt phim hành động hay được chuyển thể từ tiểu thuyết Nothing Lasts Forever của nhà văn Roderick Thorp. Khi nhắc tới series phim này, khán giả luôn nhớ đến các cảnh hành động, cháy nổ hoành tráng, hấp dẫn và đôi khi tới mức khó tin. Phần 5 của loạt phim này với tên gọi A Good Day to Die Hard vẫn tiếp nối truyền thống ấy với những cành hành động, đấu súng, rượt đuổi dày đặc trong suốt bộ phim.
Những cảnh rượt đuổi kịch tính, hành động hấp dẫn trong Die Hard
Lấy bối cảnh ở Mátxcơva (Nga), Die Hard 5 là câu chuyện hội ngộ của cha con thám tử McClane sau nhiều năm xa cách trong một hoàn cảnh hết sức éo le, đầy thử thách. Điều này khiến hai cha con họ phải gác bỏ những bất đồng, sát cánh chiến đấu cùng nhau để tồn tại. Khi đến xứ bạch dương, John McClane biết tin con trai mình, Jack, vốn là một mật vụ CIA có nhiệm vụ thâm nhập thế giới ngầm ở Nga đang ở trong tù để bảo vệ tên tội phạm Komarov. Hai cha con phối hợp để ngăn chặn âm mưu khủng bố hạt nhân ở Nga.
Là một phim hành động “chính hiệu” nên các cảnh chiến đấu, bắn súng, đuổi bắt là phần quan trọng nhất của Die Hard 5. Từ đầu đến cuối, khán giả được thưởng thức những cảnh hành động hấp dẫn được đan xen dày đặc. Tất cả chi tiết, yếu tố hấp dẫn nhất của một bom tấn hành động đều xuất hiện trong Die Hard 5. Từ các pha rượt đuổi tốc độ cao với vô số màn “phá xe” ấn tượng, những cảnh đấu súng dữ dội, các pha bay nhảy đầy mạo hiểm từ nhà cao tầng cho tới cảnh đối đầu khó tin với trực thăng chiến đấu, tất cả đều có trong bộ phim này. Gần như suốt 90 phút, khán giả luôn được trải qua cảm giác nghẹt thở, phấn khích trước những cảnh quay ấn tượng.
Phần hành động được bồi đắp thêm sự hấp dẫn nhờ quay phim tốt. Những cú máy nhanh, cắt gọn, góc máy bố trí hợp lý giúp Die Hard 5 có tiết tấu dồn dập, đúng chất hành động. Một vài cảnh cháy nổ được làm nổi bật bằng hiệu ứng slow-motion (làm chậm) gây ấn tượng mạnh. Bên cạnh đó là phần âm thanh rất trung thực, tạo hiệu ứng về thính giác trong các cảnh hành động. Âm thanh thật tới mức ở một số cảnh, khán giả có thể giật mình trước tiếng mìn, súng nổ hay đâm xe.
Tiết tấu phim nhanh, dồn dập
Tiết tấu nhanh, mạnh, dồn dập khiến khán giả dường như chỉ kịp thưởng thức những cảnh hành động, cháy nổ hấp dẫn mà không phải suy nghĩ nhiều. Tuy nhiên, đạo diễn và biên kịch đã tạo ra những đoạn trầm hợp lý như các cuộc trò chuyện, tâm sự giữa John McClane và con trai để khán giả có thời gian “nghỉ ngơi” trước khi thưởng thức cảnh hành động tiếp theo. Ngoài ra, sự căng thẳng cũng được giảm bớt với nhiều câu thoại, tình tiết hài hước, hóm hỉnh khiến khán giả bật cười thích thú.
Bruce Willis tiếp tục trở lại vai John McClane, một trong những vai diễn đã làm nên tên tuổi của ông. “Gừng càng già càng cay”, dù đã ngấp nghé 60 tuổi, Willis vẫn cho thấy khả năng diễn các vai hành động rất “ngọt”. Bạn diễn của ông, diễn viên trẻ Jai Courtney, cũng thể hiện tròn vai trong bộ phim lớn đầu tiên. Anh hứa hẹn kế tục vai diễn của Willis nếu series Die Hard được kéo dài. Diễn xuất của những diễn viên còn lại không có gì nổi bật. Gương mặt nữ đáng chú ý nhất trong Die Hard 5 là Yuliya Snigir. Cô mang một vẻ đẹp Nga rất điển hình. Đáng tiếc là Snigir không có màn khoe thân nóng bỏng như trong trailer của phim khiến những khán giả nam có đôi phần tiếc nuối.
Tuy có nhiều cảnh hành động, cháy nổ hoành tráng, mang tính giải trí cao, Die Hard 5 vẫn còn một số điểm chưa làm thỏa mãn các khán giả khó tính. Ở một số cảnh đâm xe dữ dội, nhân vật chính chui ra mà không hề có vết xây xát. Trong cảnh chiến đấu cuối phim, hai cha con John và Jack McClane tự tin xông vào khu nhiễm phóng xạ mà không cần đồ bảo hộ. So với bốn phần trước, kịch bản của phần năm có vẻ thiếu kịch tính hơn. Nhưng nút thắt ở cuối phim đã gỡ lại được phần nào.
Dẫu vậy, với những màn cháy nổ, hành động hoành tráng, hấp dẫn, lôi cuốn, Die Hard 5 là một bộ phim lý tưởng của những fan của dòng phim hành động, giải trí. Thưởng thức một bộ phim thỏa mãn cả phần “nhìn” và phần “nghe” chắc chắn không phải là một lựa chọn tồi trong những ngày đầu năm mới.