Ngành ngôn ngữ học ngày càng được giới trẻ quan tâm và đón nhận, đặc biệt là các bạn có đam mê với ngôn ngữ. Ngôn ngữ học là gì và học ở đâu? Cơ hội nghề nghiệp của ngành này có rộng mở không? Bạn đã hiểu và đánh giá đúng về ngành ngôn ngữ học chưa? Để trả lời những câu hỏi trên, mình mời bạn tìm lời giải đáp trong bài viết sau đây nhé!
Ngôn ngữ học là gì?
Ngôn ngữ học là ngành học khối D – hay còn được gọi tên tiếng Anh là Linguistics – là lĩnh vực nghiên cứu chuyên sâu nhiều khía cạnh của ngôn ngữ, đồng thời cung cấp cho người học sự hiểu biết về ngữ âm (âm thanh), cú pháp (ngữ pháp) và ngữ nghĩa (nghĩa). Lịch sử hình thành ngôn ngữ và cách từ ngữ tiến hóa theo các thời kỳ lịch sử cũng sẽ xuất hiện trong chương trình học.
Nhiều người cho rằng theo đuổi ngành ngôn ngữ học có nghĩa là học ngoại ngữ và nói được nhiều thứ tiếng. Nhưng cách nhìn nhận đó chưa hoàn toàn đúng đối với một sinh viên ngành ngôn ngữ học! Bên cạnh biết nhiều thứ tiếng thì việc nghiên cứu ngôn ngữ học còn có ý nghĩa nhiều hơn thế. Ngôn ngữ học là khoa học nghiên cứu về ngôn ngữ bao gồm kiến thức về:
- Nhìn nhận vô thức của con người có về ngôn ngữ
- Cách đứa trẻ mới sinh ra tiếp thu ngôn ngữ
- Cấu trúc của ngôn ngữ nói chung và của các ngôn ngữ cụ thể
- Các ngôn ngữ khác nhau như thế nào
- Cách ngôn ngữ ảnh hưởng đến sự tương tác và suy nghĩ của con ngườ
Hiểu được những giá trị của kiến thức trên khiến ngành ngôn ngữ học trở nên gần gũi, hữu dụng với thực tiễn nhưng cũng rất thú vị và mới mẻ khi khám phá.
Học gì trong ngành ngôn ngữ học?
Mục tiêu đào tạo của ngành ngôn ngữ học là cung cấp cho người học các kiến thức mở rộng và nâng cao về ngôn ngữ, về văn hóa và xã hội, cũng như các kiến thức ngôn ngữ học theo hướng chuyên ngành. Vì sự bao quát và đa dạng trong ngành ngôn ngữ học nên các môn học có thể chia thành 3 nhóm tiêu biểu như sau:
Nhóm lý thuyết ngôn ngữ – phù hợp với các sinh viên muốn tập trung vào chuyên đề khoa học ngôn ngữ
- Ngữ âm học
- Âm vị học
- Từ vựng học
- Cú pháp học
- Ngữ nghĩa học
- Ngữ dụng học
- Kí hiệu học
- Ngôn ngữ đại cương
- Lịch sử ngôn ngữ học
Nhóm nghiên cứu có tính liên ngành – phù hợp với sinh viên mong muốn dùng ngôn ngữ học hỗ trợ những lĩnh vực liên quan khác
- Ngôn ngữ văn chương
- Ngôn ngữ học văn bản
- Ngôn ngữ học đối chiếu
- Ngôn ngữ học văn hóa
- Ngôn ngữ học xã hội
- Ngôn ngữ học tâm lý
Nhóm nghiên cứu có tính ứng dụng cao – phù hợp cho sinh viên định hướng làm các công việc có liên quan mật thiết đến Ngôn ngữ học
- Ngôn ngữ học máy tính
- Ngữ pháp tiếng Việt
- Ngôn ngữ học trong biên tập xuất bản
- Ngôn ngữ và truyền thông
- Ngôn ngữ học ứng dụng
- Ngôn ngữ báo ch
Ngoài việc được đào tạo về lý thuyết ngôn ngữ học, sinh viên còn được học thêm các kĩ năng bổ trợ như: giao tiếp, làm việc nhóm, sử dụng ngoại ngữ và công nghệ thông tin. Từ đó, giúp sinh viên có thể tiếp cận nhanh chóng với công việc sau khi ra trường. Ngành học này còn rèn luyện cho sinh viên về khả năng nghiên cứu, giảng dạy, đào tạo, quản lý về ngành ngôn ngữ học; giúp người học có thể trau dồi thêm kiến thức ở bậc Thạc sĩ, Tiến sĩ.
Ngoài ra, 6 ngoại ngữ được áp dụng giảng dạy phổ biến trong chương trình ngôn ngữ học là: Anh – Đức – Nga – Nhật – Pháp – Trung.
Học ngành ngôn ngữ học ở đâu?
Ngành Ngôn ngữ học rất phát triển, ở một mức độ, còn được coi là ngành xu hướng trong xã hội hiện nay. Nhiều trường ở Việt Nam mở rộng đào tạo ngành này, chẳng hạn như ĐH Ngôn ngữ – ĐH Quốc gia Hà Nội, ĐH Khoa học và Xã hội nhân văn (Hà Nội. TP.HCM), ĐH Hà Nội, ĐH Ngoại ngữ – Tin học TP.HCM, ĐH Sư Phạm TP.HCM,…
Bên cạnh đó, du học để đắm mình trong nền giáo dục ngôn ngữ tiên tiến trên thế giới là sự lựa chọn lý tưởng. Một số điểm đến du học ngành ngôn ngữ học bạn chắc chắn nên tìm hiểu là
Ngành ngôn ngữ học ra làm nghề gì?
Nếu tiếp cận ngành ngôn ngữ học một cách linh hoạt và phối hợp với những lĩnh vực khác, bạn sẽ phát hiện ra ngôn ngữ học đảm bảo cho bạn một con đường rộng mở trong tương lai. Đặc biệt là khi xã hội ngày càng có xu hướng coi trọng và muốn bảo tồn các giá trị truyền thống – và ngôn ngữ là một trong những giá trị vô cùng quan trọng. Những lĩnh vực mà sinh viên ngành ngôn ngữ học có cơ hội “dấn thân” là:
- Lĩnh vực báo chí, truyền thông: Làm biên tập báo, tạp chí, biên tập website, biên tập viên trong cơ quan báo chí. Xây dựng kịch bản truyền hình, kịch bản phim ngắn, viết nội dung tài liệu, dẫn chương trình trong lĩnh vực truyền thông, truyền hình.
- Lĩnh vực nghiên cứu: Nghiên cứu về ngôn ngữ học, nghiên cứu chuyên ngành, liên ngành tại các trung tâm, Viện nghiên cứu, Sở nghiên cứu hay các trung tâm nghiên cứu, trường đại học, cao đẳng.
- Lĩnh vực quản lý văn bản: Làm hành chính văn phòng như quản trị, quản lý, soạn thảo văn bản, quản lý hệ thống văn bản.
- Lĩnh vực dịch thuật: Làm việc tại các nhà xuất bản, biên tập sách, báo, tạp chí, công tác xuất bản, công tác biên phiên dịch, biên soạn dịch thuật từ điển, sách.
- Lĩnh vực nghệ thuật: Sáng tác ca từ âm nhạc, phê bình nghệ thuật, tham gia hoạt động diễn xuất.
- Lĩnh vực lưu trữ: Làm việc tại trung tâm lưu trữ thông tin, dữ liệu, quản lý tại thư viện, trường học, trung tâm xử lý thông tin về ngôn ngữ học.
- Lĩnh vực đào tạo: Dạy ngành ngôn ngữ học tại trường đại học, cao đẳng, trường trung cấp, trường nghề, trung tâm dạy nghề. Trở thành giáo viên bộ môn Ngữ văn tại các trường THPT, THCS.
- Lĩnh vực Marketing: Truyền thông, quảng cáo cho các doanh nghiệp, công ty về tiếp thị, quan hệ công chúng, ngoại giao, đối ngoại.
- Lĩnh vực quản lý nhà nước: Tham gia chính sách ngôn ngữ, dân tộc, văn hoá xã hội, quản lý ngôn ngữ, bảo tồn ngôn ngữ và văn hóa dân tộc.
Hiện nay, ngày càng có nhiều trường đại học mở Ngôn ngữ học như một ngành đào tạo chính, đồng thời đưa các môn ngôn ngữ học và Việt ngữ học vào chương trình đào tạo của các ngành khác.
Những điều bạn nên biết để theo đuổi ngành ngôn ngữ học thành công
Có định hướng nghề nghiệp trước khi bước vào ngành
Như những phân tích ở trên, có rất nhiều cơ hội công việc mà bạn có thể theo đuổi với tấm bằng ngôn ngữ học. Việc xác định, hoặc ít nhất là có định hướng nghề nghiệp từ sớm, sẽ giúp bạn tập trung vào những mảng kiến thức ngôn ngữ nhằm phục vụ cho công việc tương lai tốt nhất.
“Đắm chìm” trong văn hóa của ngôn ngữ là cách học hiệu quả nhất
Khi học ngành ngôn ngữ học bạn sẽ đồng thời được học sâu về ngôn ngữ và hơn hết còn được học về văn hóa. Chẳng hạn việc đắm mình trong một ngoại ngữ trong suốt thời gian dài ở nước ngoài có thể là vô giá đối với những người muốn đạt được sự trôi chảy trong một ngôn ngữ không phải là tiếng mẹ đẻ. Bên cạnh chăm chỉ học lý thuyết, bạn nên dành thời gian tham gia các hoạt động văn hóa ngoại khóa, các lễ hội đậm chất dân tộc nhằm rèn luyện kiến thức chuyên môn về văn hóa, đặc biệt cần thiết cho các biên dịch viên và thông dịch viên chuyên nghiệp.
Ngành ngôn ngữ học không phải là ngành ngoại ngữ
Ngoại ngữ không phải là ngành đào tạo chính của Khoa Ngôn ngữ học. Tuy nhiên, tùy vào chuyên ngành, ngoại ngữ có thể là môn học quan trọng trong chương trình đào tạo của ngôn ngữ học. Vai trò của ngoại ngữ là giúp sinh viên hiểu biết thêm về ngôn ngữ của loài người thông qua sự so sánh của các ngôn ngữ với nhau. Ngoài ra, dựa vào tính chất công việc, kỹ năng ngôn ngữ vững chắc như tiếng Anh và thông thạo ít nhất một ngôn ngữ khác ở trình độ bản ngữ là cần thiết.
Lĩnh vực về Ngôn ngữ học máy tính rất tiềm năng
Ngôn ngữ học máy tính là một lĩnh vực đang bùng nổ, là kết hợp giữa ngôn ngữ học với khoa học máy tính. Chọn lĩnh vực này để theo học giúp bạn có kiến thức phát triển các công nghệ như phần mềm dịch máy và nhận dạng giọng nói. Sự quen thuộc với các ngôn ngữ lập trình, thuật toán và các công cụ công nghệ thông tin mở ra cho bạn vô vàn cơ hội trong lĩnh vực IT, dẫu xuất phát điểm của bạn từ khoa học xã hội.
Nếu có nguyện vọng tham gia vào lĩnh vực này, bạn nên tham gia các lớp học về ngôn ngữ học lý thuyết và tính toán, thống kê, toán học và khoa học máy tính. Trên đây là thông tin nghề nghiệp của ngành ngôn ngữ học.