Tội ác và hình phạt là một trong những cuốn sách hay không chứa đựng nhiều tình tiết bất ngờ, nhưng đủ để khiến bạn đọc căng não bởi sức nặng tâm lí của thế giới nội tâm những người dưới hầm xã hội Nga vô thần. Hình ảnh con người nhỏ bé, con người tìm đường được tác giả chung đúc khéo léo, bên cạnh quá trình thức tỉnh của một con người lạc lối. Các mạch ngầm tư tưởng kết nối một cách linh hoạt, uyển chuyển thông qua các cuộc đối thoại thiết lập tương quan giao tiếp giữa người nghệ sĩ, bạn đọc và nhân vật. Tất cả đã tạo nên một công trình tiểu thuyết đa âm mới mẻ mang màu sắc Nga đặc trưng.
Dành cả cuộc đời đi tìm tiếng nói con người trong con người
Fyodor Dostoevsky, một người nghệ sĩ mạnh mẽ trên con đường lao động nghệ thuật tròn ba thập kỉ rưỡi, với những dư ảnh của sự nghèo nàn, túng thiếu cùng hải hà năm tháng tù đày tăm tối, đổi lấy chuỗi ngày tràn ngập ánh sáng đẹp đẽ trong cuộc hành trình sáng tạo con chữ. Những kiệt tác của ông, tiêu điểm là tác phẩm Tội ác và hình phạt đã thổi bùng ngọn lửa văn chương vốn rực rỡ của nền văn học Nga, nay càng thêm rạng rỡ bội phần trên văn đàn thế giới. Điều Dostoevsky thật sự quan tâm là hệ quả của quá trình kết nối, xử lí dữ liệu nội bộ trong linh hồn của mỗi người.
Xuất phát từ sự hiện diện ý thức bản thân, nhân vật của Dostoevsky luôn phải đối mặt với những cuộc chiến tâm lí phức tạp ngỡ như không có lối thoát. Bakhtin từng nhận xét về phong cách nghệ thuật của Dostoevsky như sau: “Dostoïevski tìm kiếm một nhân vật chính có ý thức thượng thừa, một nhân vật chính mà cuộc đời hoàn toàn dựa trên ý thức bản thân và ý thức cuộc sống”. Nhân vật ông không bon chen giữa cuộc đời tấp nập để rồi chảy trôi theo dòng sự kiện. Ẩn mình trong họ là tiếng nói của tư tưởng, của hoài bão, của những mộng tưởng dẫu sự sống mãi tìm cách bóp nghẹt hơi thở của ý thức. Chúng ta thử truy nguyên để rồi lí giải lực hút đặc biệt Dostoevsky dụng công thiết lập trong ma trận ngôn ngữ tiểu thuyết Tội ác và hình phạt, để thấu cảm màu sắc nghệ thuật độc đáo của người nghệ sĩ hết mình vì con người.
Thế giới của sự tự do đối thoại trong Tội Ác Và Hình Phạt
Sáng tác của Dostoevsky không đơn thuần xây dựng lên như công cụ khuyếch tán tư tưởng của tác giả, cao cả hơn, trong thế giới đó, nhà văn trở thành người tham gia bày tỏ ý thức cùng nhân vật nhưng nắm trong tay đặc quyền điều động các cuộc đối thoại. Dostoevsky đã trao cho nhân vật sự tự do mà không phải nhân vật nào cũng có được. Họ tự do bày tỏ tiếng nói âm ỉ nơi đáy sâu tâm hồn, được phép vượt thoát ra khỏi ranh giới tư tưởng của người sáng tạo ra chính mình, độc lập phát ngôn ý kiến đôi khi là đấu tranh, phản bác chính ý thức hệ của nhà văn. Ý thức của nhân vật vang lên như một thanh âm riêng biệt song hành cùng với tiếng hát của tác giả góp phần tạo nên một khúc ca mang nhiều màu sắc, khúc ca kết tinh sinh lực của một hoa tiêu trong giới tiểu thuyết đa âm.
Trong Tội ác và hình phạt, sự tự do hiện hữu tạo tiền đề hình thành các cuộc đối thoại. Thông qua chúng, Dostoevsky để Raxcolnicov truyền những tần số đơn độc trong thế giới của chính mình. Càng đối thoại, anh càng thấy bản thân rơi vào hố sâu của tội lỗi, bao lỗ hổng trong tư tưởng dần lộ diện để rồi tất cả đẩy anh lọt thỏm trong những khủng hoảng, những vỡ vụn nơi tinh thần. Cũng chính từ những cuộc hội thoại, đặc biệt với Xonia và Porfiri, Raxcolnicov được va đập với các hệ tư tưởng khác nhau dẫn đến thúc đẩy quá trình chất vấn, đi sâu vào nội tâm để kiếm tìm con đường giải thoát cho chính mình. Họ đã trao đổi thông tin gì với nhau, họ đấu tranh cho tư tưởng của mình như thế nào khi xuyên suốt tác phẩm, độc giả luôn chứng kiến nhân vật chính mãi vùng vẫy trong chuỗi ngày đớn đau lẫn xác và hồn. Bạn đọc chỉ có thể giải đáp bao băn khoăn ấy bằng cách thả hồn mình vào từng ngóc ngách trong thế trận của Dostoevsky tạo ra, để cảm nhận, để hiểu và để chiêm nghiệm.
Sự tự do đẩy đến vực thẳm
Dostoevsky không chỉ ban cho nhân vật đặc ân tự do đối thoại mà còn cho phép họ quyền lựa chọn điểm tựa của niềm tin. Ở Raxcolnicov, anh trao tất thảy sự tin tưởng của mình cho chủ nghĩa anh hùng cá nhân. Nghĩa là anh quay lưng và khước từ niềm tin đối với Chúa. Về bản chất, niềm tin là bộ lọc thông tin chỉ lối cho mọi hành động. Khi hiện hữu niềm tin về chủ nghĩa anh hùng, phần nào Raxcolnicov tồn tại suy tư rằng bản thân có phải là một siêu nhân hay không? Và để kiếm tìm lời hồi đáp cho trăn trở, anh đã hạ quyết định đi đến một thử nghiệm, giết mụ cầm đồ. Thế nhưng, khi thực hiện hành động xác thực niềm tin của mình, Raxcolnicov vô tình đã làm lung lay, thậm chí là sụp đổ bước đầu cho niềm tin vô thần của bản thân qua hành động giết Livazeta. Hành động mang tính tàn bạo, sát nhân ấy không thể nào biện hộ bằng lí lẽ nào được.
Sinh thể Raxcolnicov nắm trong tay quyền năng tự do đối thoại trong thế giới ngôn từ của Dostoevsky đã chỉ rõ sự ảnh hưởng của nguyên tắc tự kỉ ám thị lên niềm tin của anh. Những suy nghĩ của con người khi được nhắc đi nhắc lại thường xuyên, chúng ta sẽ tin vào điều mà bản thân hoài nghi. Minh chứng xác thực nhất chính là sự tác động của cuộc đối thoại giữa hai người sinh viên về mụ cầm đồ, chứng tỏ mụ ta là người không tốt. Sự kiện này càng củng cố niềm tin, hành động cho Raxcolnicov. Một lần nữa, Dostoevsky tiếp tục để nhân vật lạc vào các cuộc đối thoại, nơi tư tưởng của nhân vật phải cọ xát, va đập để nhận thức, thấu hiểu, giác ngộ.
Những lí thuyết, lập luận logic, sắc bén của anh dần phai mờ, thay vào đó là sự hoài nghi dẫn đến chuỗi ngày tiếp theo, nhân vật phải đối mặt với bao dằn vặt, đau đớn đến từ bản án lương tâm của chính mình. Với sự xuất hiện của Xonia và Porfiri – những nhân vật góp phần thắp nên ánh sáng trên con đường cứu rỗi đối với nhân vật chính, Dostoevsky đã chỉ ra lỗ hổng trong tư tưởng của Raxcolnicov một cách khéo léo, tinh tế. Tuy nhiên, sau tất cả, đó chỉ mới là sự lay thức đối với niềm tin của Raxcolnicov. Cho đến tận cuối cùng, khi bị lưu đày, niềm tin đối với chủ nghĩa anh hùng của Raxcolnicov vẫn còn đó. Nó chỉ thực sự sụp đổ khi anh trải qua cơn mơ về ngày tận thế để rồi tìm đến với Thiên chúa.
Như vậy, niềm tin của Raxcolnicov đã chứng minh cho chúng ta thấy, khi niềm tin lựa chọn điểm tựa không dựa trên phương diện đạo đức, khước từ những ràng buộc, nó sẽ đẩy con người vượt ra khỏi những giới hạn để rồi vượt ngưỡng của tính người. Vị kỉ cực đoan, siêu nhân chủ nghĩa chính là hủy diệt nhân cách của con người. Do đó, Dostoevsky đã đưa ra hướng giải quyết, đặt niềm tin vào Chúa, vào sự cứu rỗi, con đường cứu chuộc. Nghĩa là đặt điểm tựa vào niềm tin tôn giáo, niềm tin vào những ràng buộc về đạo đức.
Khép lại trang sách cuối cùng, điều Dostoevsky để lại cho bạn đọc không đơn thuần là câu chuyện phạm tội của một tên sát nhân. Ẩn sâu dưới những con chữ, người nghệ sĩ ấy đã lặn mình vào đáy sâu tâm lí kẻ phạm tội, nhìn nhận nó, diễn tả nó, đánh giá nó. Không dừng lại ở câu chuyện về con người, Tội ác và hình phạt còn đem lại nhiều góc nhìn mới ở phương diện nghệ thuật, những phát kiến mới ở vùng đất tiểu thuyết vốn đã có quá nhiều dấu chân thành công. Những gì bạn nên làm ngay bây giờ chính là cầm tác phẩm lên và để chính mình thấu hiểu bao giá trị nhân sinh trong một kiệt tác nghệ thuật kì công.